Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng với mục tiêu trở thành sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế). Long Thành sẽ là sân bay quan trọng quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, Long Thành luôn có quãng đường ngắn nhất với cùng tuyến đường bay như vậy từ các sân bay trong khu vực Đông Nam Á. Hàng hóa và hành khách sau khi quá cảnh hoặc trung chuyển tại Long Thành sẽ di chuyển theo một đường thẳng tới các điểm đến khác theo trục Bắc – Nam của địa cầu, gần hơn khi xuất phát từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi của Thái Lan, thuận lợi hơn Changi của Singapore hay Kuala Lumpur của Malaysia, bởi Long Thành gần như ở ngay trung điểm của trục vận tải này.
Do nằm ở vị trí đắc địa, sự xuất hiện của Cảng hàng không quốc tế Long Thành góp phần biến Việt Nam trở thành điểm kết nối chiến lược của các công ty đa quốc gia, các trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, là địa điểm tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi quốc tế, phát triển du lịch, chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao…
Đối với thị trường trong nước, với việc sân bay hướng ra cao tốc TP. HCM – Vũng Tàu, bên hông là tuyến cao tốc TP. HCM – Dầu Giây hướng ra cao tốc Bắc – Nam, Long Thành kết nối các cảng biển lớn như Vũng Tàu, Cát Lái, Sài Gòn, Cái Mép,… tạo thuận lợi cho hậu cần, giúp giảm thời gian, giá thành vận tải hàng hóa tới các cụm công nghiệp lớn phía Nam nằm tại Đồng Nai và Bình Dương.